Chú Giải Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXVIII Mùa Thường Niên (Lc 12,8-12) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BẢY TUẦN TUẦN XXVIII MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
TIN MỪNG: Lc 12,8-12

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I : Ep 1, 15-23

Tôi được nghe nói về lòng tin của anh em …Tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi.

Một cách tốt để cầu nguyện : nhớ đến những kẻ mình yêu thương…tạ ơn Thiên Chúa thay cho họ…kể tên họ ra : Phaolô, Giacôbê, Phêrô, Gioan…

Tôi cầu xin Cha vinh hiển, là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan, để mặc khải cho anh em biết Người.

Phải trải qua thời gian để khám phá và nhận biết Đức Kitô.

Lạy Chúa xin ban cho con “ ơn khôn ngoan ” ấy !

Xin ban ơn ấy cho những người yêu thương. Xin ban ơn ấy cho mọi người. Xin làm cho con biết hành động để người ta khám phá và nhìn nhận Người.

Quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu, đó chính là một sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực mà Người đã biểu dương nơi Đức Kitô khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết và đặt Người ngự bên hữu Người trên trời.

Theo sức loài người thì đây là một trong các câu nói lạ lùng, mà phải có người Thánh Phaolô mới sáng chế ra được.

Ta phải chấp nhận kiểu nói can đảm này.

“Sức mạnh thần linh” đang hoạt động trong tâm hồn tôi, tâm hồn của một tín hữu, cũng chính là sức mạnh đã làm cho Đức Giêsu sống lại và lên trời, không hơn không kém.

Thế thì tôi dám từ bỏ tội lỗi và các sự yếu hèn của tôi không ? Tôi có tin chắc như thế không ? thực sự tôi phải làm gì để mắc vào “dòng điện chính” này, vào điện thế thần linh này ? Thay vì than khóc về tình trạng sa sút của tôi, tôi có kết hợp với Đức Kitô và với sức mạnh phục sinh đang hoạt động trong tâm hồn tôi không ?

Thiên Chúa đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể được, không những trong thế giới hiện tại mà ngay cả thế giới tương lai.

Phaolô thích chiêm ngắm Đức Kitô được nâng lên mọi quyền lực thiên thần.

Dân Êphêsô sống trong sự sợ hãi các “thần linh” : đó là một xu hướng mê tín mà ngay cả vào thời chúng ta cũng chưa biến mất được. Người Kitô hữu là người được cứu khỏi cảnh sợ hãi này. Đức Kitô đã khởi thắng.

Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người “làm đầu toàn thể Hội Thánh” Thân Thể Đức Kitô, mà Hội Thánh là “sự viên mãn của Người” Đấng làm cho tất cả được viên mãn.

Và này, đây còn là một câu không dịch ra được , phải ngậm mà nghe !

Hội Thánh là “Thân Thể” Đức Kitô, là nơi Người hiện diện thực sự, là sự viên thành của Đức Kitô !

Giữa Đức Kitô và Hội Thánh có sự liên quan của đầu và phần thân thể. Luồng sinh khí từ Đức Kitô sang đến Hội Thánh.

Hội Thánh cũng là “ dân mà chúng ta là thành phần”, một đoàn người nghèo hèn, đầy yếu đuối, tội lỗi và là cái bình phong ngăn cho Đức Kitô, thay vì trở nên sự “viên mãn” của Người : lạy Chúa con cầu xin cho Hội Thánh để Hội Thánh thực sự trở nên như Người muốn.

Bài đọc II : Rm 4, 13-16-18

Lời hứa của Chúa …hứa ban cho Abraham hay cho dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian.

Lịch sử Abraham đầy những lời hứa của Thiên Chúa.

Sự hoàn thành lời hứa không tuỳ thuộc con người, nhưng do sự trung thành của Thiên Chúa với lời Người hứa.

Cả Abraham cũng đã là một tội nhân. Nhưng ông đã tin vào lời hứa này. Ong đã tin vào điều không có thể. Ong đã già và không có con, và Thiên Chúa hứa cho ông “thế giới làm gia tài thừa kế !” và ông đã tin. Và điều đó được thực hiện : Các Kitô hữu dân Do-thái, Ả Rập…đám đông vô số, nói mình là “con cháu Abraham !”.

Vì thế, do Đức tin, được coi như là theo ân sủng , lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền.

Lạy Chúa, con muốn “đón nhận tất cả” bởi Chúa.

Con muốn gặp Chúa hơn nữa, và chỉ tựa nương vào Chúa thôi. Bây giờ, con biết rằng sự cứu rỗi của con tùy thuộc vào lời Chúa hứa, hơn là vào việc làm của con, và rằng Chúa thực hiện lời Chúa hứa. ( Vị Tông-đồ của Chúa nhắc lại cho chúng con điều đó quá nhiều).

Lạy Chúa, con tin tưởng vào Chúa. Con an lòng về Chúa.

Đau khổ vì bao nhiêu là giới hạn khốn cực của con, con muốn một lần đón nhận chúng rồi quên đi để không còn khổ vì chúng và chỉ cậy vào Chúa và không còn cậy vào sức lực của riêng con nữa.

“ Ơn huệ ban không ! ”.

Ta đã ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc, Abraham là tổ phụ chúng ta trước mặt Chúa, Đấng ông tin tưởng.

Đức tin trao tặng sự phong phú lạ lùng.

Bởi vì tin vào Chúa, Abraham là “cha” của mọi người. Nhờ Đức tin, ông đã thực sự “ trao ban sự sống”. Người ta không biết được mọi phân nhánh sống động bởi một hành vi Đức tin. Một người tin vào Chúa làm nổi dậy trong nhân loại một làn sóng “sự sống”. Mọi người lớn lên đều nâng dậy thế giới.

Thiên Chúa cho kẻ chết sống lại và kêu gọi cái không có như có.

Abraham và Sarah, mà lòng dạ đã chết, đã kinh nghiệm điều đó. Thiên Chúa là Đấng gọi “ từ hư không vào hiện hữu”…Đấng ban “sự sống”.

Đó là kinh nghiệm của Abraham !

Nhất là, đây là kinh nghiệm của Chúa Giêsu. Sự sống lại là trọng tâm tư tưởng của Thánh Phaolô. Sức mạnh Thiên Chúa làm sống dậy những kẻ chết. Sức mạnh đó còn hoạt động trong thế gian. Chính sức mạnh này nâng đỡ chúng ta vượt qua mọi thất vọng. Nó không ngừng kéo chúng ta ra khỏi tội lỗi. Nó sẽ phục sinh chúng ta một ngày kia.

Mặc dầu tuyệt vọng ông vẫn tin.

Đời sống Abraham, Đức tin Abraham, không phải là việc dễ dàng. Tất cả xem ra trái ngược với lời Chúa. Tất cả dường như đi ngược lại…Nhưng ông đã tin, bất kể mọi sự, ngược lại mọi niềm hy vọng.

Chúa Giêsu đã nói : “ Đức tin chuyển núi dời non”. Tin sức mạnh của bất khả. Người ta hiểu Phaolô nói rằng “ Đức tin ban quyền chiếm hữu thế giới”. Thật vậy, không gì có thể đi ngược lại được. Nó không tựa nương vào con người : tất cả sức mạnh của nó là ở nơi Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin cho chúng con Đức tin này.

BÀI TIN MỪNG : Lc 12, 8-12

Thầy nói cho anh em biết : phàm ai nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng nhận Người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.

Thế kỷ vừa qua ( và chắc chắn vẫn còn tiếp tục) đã có các nhà chú giải Kinh Thánh cố gắng giản lược phần nói về các phép lạ trong Tin Mừng, bởi vì chúng gây phiền phức cho quả quyết cái gì cũng “siêu nhiên” cả ! Thực ra, thần tính của con người Đức Giêsu thành Nagiarét, không khi nào ngừng kêu lên những vấn đề triết học lớn lao cho tất cả những ai muốn hiểu biết : việc nhập thể của con Thiên Chúa mà ta tuyên xưng trong “Kinh tin Kính” theo kiểu diễn tả bằng lời, là một điều dễ dàng…nhưng vẫn luôn là một mầu nhiệm vĩ đại, ngay cả đối với Đức tin đáng kính nhất của ta.

Nhưng không vì thế mà ta chối từ Đức tin như một thứ ảo vật của Kitô giáo. Không phải chỉ một phép lạ, hay nhiều phép lạ trong Tin Mừng dẫn ta tới xác quyết đó, mà là toàn bộ Tin Mừng. Thế nên, cắt xén đi một vài trang gây thắc mắc cũng chưa đủ… mà có lẽ cần phải xé bỏ toàn bộ Tin Mừng. Chẳng hạn, ý định được diễn tả trong câu trên của Tin Mừng thực sự là vượt quá phạm vi con người. Như một điều cố nhiên, Đức Giêsu hứa hẹn một cách hoàn toàn đơn thành, Người sẽ ủng hộ trước mặt Thiên Chúa những ai ủng hộ Người. “ Các thiên thần của Thiên Chúa” là một kiểu nói theo truyền thống Kinh Thánh, nhằm diễn tả chính Thiên Chúa. Ở đây nói về ngày cánh chung.

Ai nói phạm đến con người còn được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ được tha.

Trong lời phát biểu trên có một sự đối nghịch rất lạ kỳ. Đức Giêsu nêu lên một khác biệt giữa “ nói phạm đến Người, Đức Giêsu” : có thể được tha…và “nói phạm đến Thánh Thần” thì sẽ chẳng được tha.

Có vẻ Đức Giêsu giả thiết rằng, người ta có thể nhầm lẫn về Người, xét xử như Người là một con người sống giữa mọi người, trong sự thấp hèn của nhân tính con Người, luôn phục vụ cả nghèo khó. Phải người ta có thể nhầm lẫn cách ngày tình về công cuộc nhập thể của Đức Giêsu, vì chỉ xét đoán Người theo khả năng của con người. Và chính Đức Giêsu cũng cầu xin cho các đao phủ của Người : “ Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” ( Lc 23, 34).

Người cũng tha thứ cho Phêrô chối bỏ Người, vì yếu đuối trong tình trạng rối mù của những giờ phút bi thảm trước cuộc khổ hình ( Lc 22, 61-62).

Trái lại, Đức Giêsu coi như trọng tội hơn nhiều, điều mà Người gọi là “ Sự phạm thượng đến Thánh Thần”. Điều đó là gì ?

Trong Tin Mừng Matthêu ( 12, 32), điều đó có nghĩa là sự không nhận biết uy quyền của Đức Giêsu trên quỷ dữ. Còn ở đây, lời nói có vẻ mập mờ khó hiểu. Đức Giêsu không chấp nhận tình trạng người ta có thể còn mù tối trước những biểu lộ quá rõ ràng của Thần Khí : nghĩa là của Đức Kitô Phục sinh ? hay những lời rao giảng của các Tông-đồ đã được thần khí linh hứng ? ( Cv 2, 38. 3, 19. 13, 46. 18, 6).

Đối với Đức Kitô, Thánh Thần thật là quan trọng. Còn đối với tôi thì sao ? Người đã có chỗ nào trong đời sống của tôi chưa ? biết bao lần tôi đã trung tín với Người !

Khi người ta đưa anh em ra trước hội-đường trước mặt những người lãnh đạo, và những người cầm quyền, thì anh em đừng phải lo bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì trong giờ phút ấy, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.

Kitô hữu, người “ ra toà” trước thế gian !

Ở đây, ta thấy một tiếng vang báo hiệu sự nhiệt tình của các Kitô hữu đầu tiên nơi các vụ, truy tố mà họ là đối tượng. Đó là những con người nghèo khổ, không dám tin tưởng ngay vào cả chứng cớ của riêng mình, mà chỉ hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa.

Thiên Chúa, Thánh Thần đang hiện diện ở đó với họ, nơi vành móng ngựa trước tòa án.

Lạy Chúa, con muốn phó thác hoàn toàn nơi Chúa. Xin Chúa không ngừng dạy dỗ con. Xin khơi lên cho con điều phải nói, để nói hay hơn về Chúa để làm chứng tá cho Chúa.

Và xin ban cho toàn thể các Kitô hữu thái độ kiên định đó, tính can trường khiêm hạ, không dựa vào sức riêng mình, nhưng vào Thánh Thần.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Chúa dạy các môn đệ hãy can đảm tuyên xưng danh Chúa.

HOÀN CẢNH :

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Đức Giê-su huấn dụ các môn đệ phải can đảm tuyên xưng Danh Chúa.

Ý CHÍNH:

Bài này có hai phần :

- Đức Giê-su dạy các môn đệ phải trung thành với Người ( 12,8-10)

- Đức Giê-su trấn an các môn đệ bằng những lời xác quyết có Chúa Thánh Thần ở với họ khi bị bách hại ( 10,12)

TÌM HIỂU:

8-9 “...Phàm ai tuyên bố nhận Thầy...” :

Thiên Chúa xử sự công bình. Hơn thế nữa Thiên Chúa còn rộng lượng quảng đại với chúng ta. Điều này được biểu lộ qua lời Đức Giê-su nói dưới hai hình thức xác quyết và phủ định để nhấn mạnh như sau :

Ai tuyên xưng Danh người trước mặt người đời, thì bù lại, và thêm nữa, Người sẽ tuyên xưng người đó trên thiên đàng, trước mặt các Thiên Thần của Thiên Chúa. Ngược lại, ai từ chối Người trước mặt thiên hạ, thì cũng sẽ bị từ chối trước mặt các Thiên Thần của Thiên Chúa.

10 “ Bất cứ ai phạm đến Con Người...” :

- Ở đây Đức Giê-su phân biệt tội xúc phạm đến Con Người ( thời kỳ Đức Giê-su thi hành sứ mệnh) thì có thể tha thứ được. Còn tội xúc phạm đến Chúa Thánh Thần ( thời kỳ các tông đồ và Giáo Hội thi hành sứ mệnh là thời kỳ Chúa Thánh Thần hướng dẫn) thì không thể tha thứ.

- Câu này muốn ám chỉ về hoàn cảnh dân Do Thái : các tội xúc phạm đến Đức Giê-su, trong thời gian Người giảng đạo, kể cả tội giết Người ( Lc 23,24; Cv 23.17) thì có thể được tha thứ khi có lòng thống hối. Nhưng từ sau biến cố Phục Sinh và Chúa Thánh Thần hiện xuống, thì việc truyền giáo của các tông đồ là dịp cuối cùng để họ trở lại, nhưng nếu họ không nghe theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần qua lời rao giảng của các Tông Đồ thì không còn được ơn cứu rỗi nữa, họ bị liệt vào dòng giống gian ác ( Cv 2,38-40) và các Tông Đồ sẽ bỏ họ mà đi giảng cho dân ngoại ( Cv 13,46?)

- ở đây cũng có thể hiểu rằng : khi người ta không được ơn Chúa soi sáng để biết rõ về Chúa và giáo huấn của Chúa, thì sự chối bỏ của họ còn có thể tha thứ.

Còn những ai đã được Chúa Thánh Thần soi sáng và ban sức mạnh để hiểu biết giáo lý của Chúa và nhiệm vụ sống đạo, xưng đạo và truyền đạo, mà vì lý do xác thịt hay trần gian nào đó mà cả lòng chối Chúa, chối giáo huấn của Chúa, thì không có điều kiện được tha thứ, và đây là tội cố chấp, chai lì không có lòng thống hối. Xem Mc 3,29 và Mt 12,32 : tội phạm đến Chúa Thánh Thần ở đây là tội cố tình bóp méo sự thật khi gán cho Chúa Giê-su dùng quyền năng của ma quỷ, tức là gán cho ma quỷ quyền năng của Thiên Chúa.

Vì Chúa muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi, nhưng Chúa cần con người cộng tác vào ơn cứ rỗi bằng sự thống hối. Vì thế bao lâu còn sống ở trần gian mà có lòng thống hối, thì tội gì cũng được tha, còn khi không có lòng thống hối thì không thể tha thứ được.

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần không được tha thứ, không phải vì Chúa không tha, nhưng vì tội nhân cố chấp không thống hối và ngoan cố ở trong tình trạng tội lỗi, khước từ mọi ân huệ của Chúa Thánh Thần.

11-12 “ Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường...” :

Khi môn đệ bị bách hại vì đạo Chúa, thì đừng sợ vì đã có Chúa Thánh thần soi sáng và nâng đỡ.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :

1- Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta : trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có bị bách hại cũng phải luôn luôn giữ vững đức tin và trung thành với Chúa để tuyên xưng Danh Chúa. Để niềm tin và lòng trung thành với Chúa được trung kiên, bền vững thì người môn đệ cần trông cậy vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, vì :

- Chúa Thánh Thần thường linh ứng cho các tiên tri xưa, nay : phải nói gì và nói như thế nào (Gr 15,26 ; Xh 4,8-31).

- Chúa Thánh Thần thường ban ơn soi sáng và nâng đỡ những người bị bách hại vì Danh Chúa, vì Thiên Chúa không để cho ai bị thử thách quá sức mình ( 1 Cr 10,13).

- Chúa Thánh Thần sẽ ban sự khôn ngoan cho cn cái Chúa để biết cách đối phó với kẻ bách hại (Lc 21,15).

2- Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thành tâm kiểm điểm bản thân mình :

- Tuy mình chưa chối Chúa, nhưng trong đời sống thực tế, đôi khi ta có những suy nghĩ, những thái độ, những việc làm ngược hẳn lại với những giáo huấn Tin Mừng và phẩm giá người Kitô hữu.

- Ta không phạm đến Chúa Thánh Thần, nhưng trong thực tế ta không quan tâm đến Người, không quý trọng ơn Người, không kết hợp mật thiết với người qua niềm tin, cậy và mến... ta lại làm mọi sự theo ý, ta, theo sức riêng ta.

- Ta cũng không nói chống đạo trước mặt những kẻ bách hại, nhưng có những khi ta toa rập với thói đời : ham danh, hám lợi, ham sắc, ham tài... khiến ta bị biến chất, đánh mất phẩm con cái Chúa !

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.